Menu Đóng

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre

Thời gian qua, những công trình quan trọng trên hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre đã phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên cần thiết phải tiếp tục được ưu tiên đầu tư, hoàn thiện. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay dự án thủy lợi Bắc Bến Tre vẫn đang tiếp tục đầu tư với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đây là dự án kiểm soát mặn, tưới tiêu cho 139.000ha đất tự nhiên thuộc các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và TP. Bến Tre. Đến nay, Dự án đã tổ chức triển khai thực hiện xong các hạng mục công trình, như: Cống đập Ba Lai, nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai.

Cống đạp Ba Lai, Bến Tre

Hiện Dự án tiếp tục đầu tư công trình cống Định Trung có khẩu độ 40m/cửa, cống Sơn Đốc 2 khẩu độ 60m/cửa và nạo vét kênh dẫn thượng nguồn Ba Lai. Đồng thời, các bên liên quan cũng đang tích cực vận động nguồn vốn ODA để đầu tư các cống lớn như: cống An Hóa, Thủ Cửu, Bến Tre và hệ thống đê bao ven sông Tiền, sông Hàm Luông.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, sau khi hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre được hoàn thiện, sẽ phát huy vài trò rất quan trọng, giúp địa phương phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trước đó, năm 2004, công trình cống đập Ba Lai thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre đã được đầu tư xong. Công trình có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, rửa phèn cải tạo đất phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất cho hơn 115.000 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời giải quyết nhu cầu giao thông nối liền 2 huyện Bình Đại và Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre.

Sau gần 9 năm đưa vào sử dụng, công trình này đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm của tỉnh Bến Tre.

Năng suất lúa tăng bình quân từ 3,5 tấn/ha lên 4,2 tấn/ha của huyện Bình Đại; 4,3 lên 4,9 tấn/ha của huyện Ba Tri và 4,6 lên 5,2 tấn/ha của huyện Giồng Trôm. Diện tích và sản lượng dừa cùng tăng đáng kể. Năm 2005, tổng diện tích trồng cây dừa của 3 huyện 15.273 ha, sản lượng thu hoạch trên 102 nghìn tấn, đến cuối năm 2011 tổng diện tích trồng dừa cả 3 huyện là 20.892 ha, tăng gần 6.000 ha, tổng sản lượng thu hoạch 175 nghìn tấn, tăng 73 nghìn tấn. Các loại cây trồng khác cũng phát triển tương đối ổn định và ngày càng nâng cao năng suất.

Công trình cũng mang lại hiệu quả dân sinh to lớn. Hồ chứa nước ngọt được tạo bởi cống đập Ba Lai là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân ở các huyện trong khu vực. Hiện nay có nhiều nhà máy nước khai thác từ hồ chứa này để cung cấp cho hàng chục ngàn hộ sử dụng./.

(Nguồn: http://canthotv.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.