Tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long mà Bến Tre là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Nếu nắng nóng, khô hạn tiếp tục kéo dài thì Bến Tre sẽ gặp rất nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.
Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Ngân cho biết, năm nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra sớm hơn khoảng 2 tháng so với trung bình nhiều năm, độ mặn trên các sông chính tăng cao đột ngột và xâm nhập sâu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân. Từ tháng 1/2016, độ mặn 4g/l trên các sông chính trong tỉnh đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng trên 45km, độ mặn 1g/l đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng 55km và có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Độ mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập rất sâu vào trong nội đồng khiến diện tích lúa cũng như hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
Tính đến 10/3, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của tỉnh Bến Tre lên tới 19.774 ha. Đây là toàn bộ diện tích xuống giống của tỉnh. Trong đó, diện tích lúa Thu Đông 2015-2016 bị thiệt hại 5.015 ha thuộc huyện Thạnh Phú. Diện tích vụ Đông Xuân 2015-2016 thiệt hại 14.759 ha. Diện tích hoa, rau màu bị thiệt hại 509 ha. Ngoài ra, còn diện tích không nhỏ cây giống, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Tìm hiểu thêm về tình hình, chúng tôi về xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri – một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt xâm nhập mặn này của tỉnh mới thấy hết được khó khăn của bà con nông dân. Hộ ông Võ Văn Thạch, ấp Bến Vựa Bắc và các hộ dân nơi đây đang lao đao do thiếu nước chăn nuôi cũng như trồng trọt. Ông Thạch cho biết, gia đình ông nuôi 16 con bò nhưng đã phải bán 4 con do thiếu thức ăn. Thường thì hàng năm ông Thạch tận dụng nguồn thức ăn chính là từ lượng rơm sau khi thu hoạch lúa. Tuy nhiên, năm nay toàn bộ 5 công lúa nhà ông bị mất trắng do xâm ngập mặn diễn ra sớm khiến cho gia đình ông không chỉ thiệt hại về sản lượng thóc thu hoạch mà ngay cả rơm cho bò cũng không có…
Để có thức ăn cho bò, ông Thạch phải mua rơm từ các vùng lân cận như Tiền Giang, Vĩnh Long với giá khá đắt, khoảng 25 ngàn đồng/cuộn rơm. Trung bình một ngày một con bò ăn hết 1 cuộn, với 16 con cứ thế nhân lên với số tiền không phải là nhỏ… Nhằm giảm chi phí mua thức ăn hàng ngày cho đàn bò, ông Thạch phải đi cắt cỏ cho bò nhưng cũng rất khó khăn, vì nước mặn, hạn, nên cỏ không mọc được. Theo ông Võ Văn Thạch, nếu có nước thì khoảng tháng 6 mới xuống giống vụ lúa tiếp được, như vậy phải khoảng tháng 10 mới thu hoạch, cũng đồng nghĩa với thời điểm đó mới có rơm cho bò ăn. Từ nay đến thời điểm đó, ông Thạch vẫn phải mua rơm cho đàn gia súc.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi, xâm nhập mặn kèm hạn hán khiến nước sinh hoạt trên địa bàn cũng rất khó khăn. Hiện khoảng hơn 98 nghìn hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại xã Vĩnh Hòa, bà con đã phải mua tới 100 nghìn đồng/khối nước giếng khoan phục vụ cho chăn nuôi và tắm giặt còn nước uống và phục vụ nấu ăn vẫn phải dùng nguồn nước mưa dự trữ được. Nguồn nước trong gia đình cũng được tái sử dụng nhiều lần nhằm tiết kiệm một cách tối đa.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Trước thực trạng trên, để giảm thiệt hại cho bà con nông dân, lãnh đạo địa phương đã kịp thời chỉ đạo các ngành chuyên môn tham mưu cho Ủy ban nhân dân các xã tiến hành khảo sát, thống kê các khu vực cánh đồng không có khả năng sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016. Sau đó, họp dân để thống nhất diện tích không gieo sạ nhằm tránh thiệt hại.
Về nước sinh hoạt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận hỗ trợ của Quân khu 9 về việc chở nước ngọt đã qua xử lý bằng phương tiện thủy từ Tiền Giang để phục vụ sinh hoạt cho người dân trong khu vực khan hiếm nước như xã Bình Thới, huyện Bình Đại hay xã An Hiệp, huyện Ba Tri… Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cũng đã triển khai thi công ống dẫn nước, đấu nối để tiếp nhận nguồn nước từ Công ty Cổ phần mía đường Bến Tre vào bể chứa tại nhà máy nước An Hiệp. Thương thảo ký Hợp đồng mua bán với lưu lượng khoảng 150 m3/ngày, giá 35.000 đồng/m3 – bằng một nửa giá nước người dân đang phải mua từ xe nước của các đơn vị kinh doanh tư nhân.
Bên cạnh đó, người dân tại các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc… đã tự thực hiện một số biện pháp ứng phó với hạn mặn như khoan giếng để khai thác nước ngọt tầng nông, đào giếng hộc để lấy nước mặt phục vụ sản xuất, dùng túi nylon trữ nước ngọt trong mương vườn. Một số hộ dân có phương tiện như ghe bơm cát đã thực hiện chở nước ngọt từ thượng nguồn để cung cấp cho người dân.
Về lâu dài, Phòng Kinh tế thành phố Bến Tre cũng đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thiết bị xử lý nước mặt phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hộ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố cho phép các doanh nghiệp tiếp xúc, giới thiệu công nghệ, sản phẩm lọc nước mặn cho các đơn vị và người dân. Đồng thời địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề ứng phó với hạn, mặn để hướng dẫn giải pháp quản lý, chăm sóc cây trồng, vận nuôi và thủy sản trong tình hình xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân một số giải pháp trước mắt để ứng phó với xâm ngập mặn nhằm hạn chế thiệt hại…
Một số địa phương của Bến Tre cần hỗ trợ khẩn cấp
Huyện Ba Tri: cần được hỗ trợ 1.185 lu, hồ chứa nước cho người nghèo, cận nghèo.
Huyện Bình Đại: cần hỗ trợ kinh phí gia cố khẩn cấp đê bao xã Tam Hiệp đang có nguy cơ sạt lở đe dọa rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Địa phương cũng cần hỗ trợ kinh phí thuê xà lan chở nước ngọt cấp cho hộ nghèo, hộ khó khăn không đủ phương tiện dự trữ nước. Về lâu dài, địa phương mong được đầu tư hồ chứa nước khu vực cống đập Ba Lai.
Huyện Giồng Trôm: cần hỗ trợ kinh phí khoan 1.000 giếng nước ngọt và dụng cụ chứa cho 4.1110 hộ nghèo và khó khăn trên địa bàn. Địa phương cũng cần sửa chữa và xây dựng mới công trình thủy lợi đầu mối cống Hai Thu – Phong Nẫm, cống Phú Thuận – Châu Hòa, cống Tư Lùn, các cống điều tiết nước giữa Ba Tri – Giồng Trôm.
(Nguồn: Kim Dung – Bùi Thủy, http://www.cpv.org.vn)