Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, trên sông Hàm Luông và Cổ Chiên, xâm nhập mặn rất nhanh và ở mức sâu hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Tại cảng cá Bình Đại (huyện Bình Đại), độ mặn từ 26-29‰; tại xã An Thuận (huyện Thạnh Phú), mặn giao động từ 25-28‰; tại Tiệm Tôm (huyện Ba Tri), độ mặn lên đến 27-30‰.
Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68 km, qua địa bàn các xã: Tân Thạch, Tiên Long (huyện Châu Thành); Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách). Độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83 km, qua địa bàn các xã Phú Túc (huyện Châu Thành), Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách). Hiện tại, tình trạng mặn xâm nhập đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Trước tình hình trên, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre có văn bản yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phòng, chống ứng phó xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành Quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp địa phương tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm trong phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức vận hành ngay phương án ứng phó xâm nhập mặn theo Kịch bản 2 (Rủi ro thiên tai cấp độ 2), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
Để thực hiện tình huống khẩn cấp do xâm nhập nhập mặn, ngay trong Tết Nguyên đán 2020, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre).
Công trình là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên, kết hợp chặn trên dòng Sông Mã (đoạn từ Sông Hàm Luông đi vào). Từ đó, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (huyện Châu Thành) với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước.
Các công trình khác như: cống đập ngăn mặn, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (tại huyện Ba Tri) với quy mô 60 ha có sức chứa gần 01 triệu mét khối nước ngọt thô cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Cùng với đó, Nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp; vận hành hệ thống lọc nước RO công suất 3.000m3/ngày đêm và hệ thống quan trắc tự động online nhằm kiểm tra theo dõi chất lượng nước, áp lực và lưu lượng nhằm đảm bảo chất lượng nước khi cấp ra mạng lưới để sử dụng.
Tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện hai chuyến tàu vận chuyển nước ngọt với khối lượng khoảng 500 m3 từ TP.HCM đến cung cấp cho nhân dân vùng nhiễm mặn theo yêu cầu giúp đỡ của địa phương Bến Tre.
Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Trong đó, đã chủ động triển khai đến các hộ dân, các hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp chủ động nguồn nước.
Riêng ngành thủy sản tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo người nuôi theo dõi biến động của thời tiết và môi trường nước, mật độ và tình trạng sức khỏe theo từng vùng, khu vực, nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp. Các đối tượng nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm thì cần chủ động thu hoạch để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Dẫn lại bài từ: baotainguyenmoitruong.vn