Menu Đóng

Bình Đại tập trung nguồn lực phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2018 – 2019

Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2018 -2019, huyện Bình Đại tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, ứng phó  hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2018-2019 trên địa bàn huyện, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Theo đó, huyện Bình Đại tiến hành xây dựng các công trình thủy lợi và xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Nâng cấp đê biển, đê sông tiền, dự án trồng rừng gây bồi, kè chống xói lở hai bên bờ sông Giao Hòa đoạn tiếp giáp sông Ba Lai, huyện Châu Thành, dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung, hồ chứa nước ngọt.


Bình Đại tập trung nhiều giải pháp đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô 2018 – 2019. (Ảnh: Tuyết Mai)

Hàng năm, Bình Đại nạo vét 20 tuyến kênh phục vụ sản xuất, tiếp tục vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp đắp đập tạm, bờ bao cục bộ, các cống… để ngăn mặn, trữ ngọt. Phối hợp với các ngành tỉnh quản lý, vận hành các cống hoàn thành phù hợp từng vùng, đảm bảo cho việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, vận động Nhân dân chủ động thực hiện ngăn mặn, trữ ngọt theo từng hộ gia đình, hạn chế thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là nước ngọt cho chăn nuôi heo, bò, gà, vịt…

Có phương án vận hành các nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn phù hợp, thực hiện tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt và cung cấp sinh hoạt tại các vùng và địa phương.

Khảo sát hệ thống công trình thủy lợi để đề xuất sớm duy tu, sửa chữa thống nhất với chính quyền để vận hành hệ thống cống đê sông Tiền và các cống ven sông Ba Lai sinh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Đồng thời, thông báo lịch đóng mở cống để nhân dân chủ động phòng tránh và có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Kịp thời thông tin về tình hình diễn biến hạn mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể nắm bắt kịp thời và có các biện pháp ứng phó thích hợp.

Bên cạnh đó, huyện Bình Đại tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn trên cây trồng, vật nuôi. Đối với cây lúa, huyện kiên quyết chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi sản xuất lúa còn 2 vụ Đông xuân sớm và Hè Thu muộn để hạn chế thiệt hại cho người dân. Đối với các vùng đảm bảo diều kiện nước tưới, chính quyền địa phương vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới (rau màu, cây dừa,…). Khuyến khích nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày hoặc cực ngắn ngày, giống xác nhận thích nghi với điều kiện địa phương như: OC10, OM 6162, OM 9921, OM 9915, OM 4900, OM 3673, OM 6976, OM 8108, OM 8923, … Khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu tốt ở những vùng có điều kiện canh tác khó khăn như: OM 8108, OM 5464, OM 5451, OM 9921. Ngoài ra, vùng canh tác thường bị nhiễm mặn nên sử dụng giống lúa chịu mặn khá tốt như: OM 9921, OM 9915, OM 9916.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như giải pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm tiết kiệm nước. Tổ chức tập huấn hướng dẫn cho nông dân ứng dụng ngay từ đầu vụ biện pháp kỹ thuật tiến bộ, tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, ngắn ngày, gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy ở từng khu vực. Khuyến cáo sử dụng giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán vào cuối vụ.

Đối với cây ăn trái, huyện khuyến cáo nông dân trữ nước ngọt trong mươn vườn; theo dõi diễn biến mặn hằng ngày để lấy nước tưới cho cây trồng phù hợp, không sử dụng nước có độ mặn >2‰ tưới cho cây, dùng cỏ, rơm rạ, lục bình,… tủ gốc giữ ẩm cho cây. Hạn chế để trái trong giai đoạn hạn mặn, thiếu nước sẽ làm cây dể bị suy kiệt hoặc có thể đưa đến chết cây. Tăng cường bón phân hữu cơ, kali cho cây nhằm tăng khả năng chịu hạn của cây .

Về chăn nuôi, huyện thực hiện việc dự trữ nước ngọt bằng các biện pháp đắp đập tạm ngăn mặn cục bộ, xây thêm hồ chứa nước hoặc dùng túi nilon chứa nước ngọt trong mương vườn ,… để phục vụ chăn nuôi như : ăn uống , vệ sinh chuồn trại , vệ sinh cơ thể vật nuôi hoặc tưới cây làm thức ăn cho gia súc. Dự trữ thức ăn thô: rơm, cỏ khô: các loại thức ăn tinh: bắp, tấm, cám,… Chế biến, bảo quản thức ăn bằng các phương pháp ủ chua, ủ urê. Đồng thời, thực hiện vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại và đề phòng dịch bệnh. Định kỳ thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại. Tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên các loại vật nuôi như: bệnh Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng đối với heo, tụ huyết trùng đối với trâu, bò…. Sử dụng thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi phải đúng với đối tượng vật nuôi, đúng định hướng sản xuất, đúng hướng dẫn sủ dụng, tránh dùng các loại thức ăn ẩm mốc, hết hạn sử dụng.

Trên lĩnh vực thủy sản, huyện tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình xâm nhập mặn từ nguồn nước trên các tuyến sông chính, kênh rạch tự nhiên, đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt, các vùng mà hệ thống thủy lợi chưa khép kín có thể ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản. Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các khuyến cáo, kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn để người dân kịp thời có biện pháp phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Tăng cường thực hiện quan trắc môi trường để khuyến cáo kịp thời cho người dân có biện pháp phòng chống, hạn hán và xâm nhập mặn theo lịch thời vụ, độ mặn tăng dần theo từng vùng(mặn, ngọt, lợ), cho từng đối tượng nuôi thủy sản.

Song song với các giải pháp đảm bảo năng suất nông nghiệp, huyện thực hiện các biện pháp đảm bảo cấp nước ngọt của các nhà máy nước sạch nông thôn để phục vụ sinh hoạt cho người dân.Theo đó, các đơn vị cấp nước có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo vận hành các nhà máy liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Nạo vét các ao chứa nước thô nhằm tăng lượng dự trữ nước ngọt để phục vụ cho công tác vận hành cấp nước. Thường xuyên đo kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước hợp lý để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Đối với các khu vực chưa có hệ thống cấp nước máy, cần có kế hoạch cấp nước lưu động để tạm thời cấp cho người dân trong mùa khô hạn này, không để cho dân thiếu nước ngọt sử dụng hoặc mưa nước với mức giá cao.

(Nguồn: http://nongthonmoi.bentre.gov.vn)

Chuyên mục liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.